Đầu tháng 11,àucaotốcgầntriệuUSDnằmbờởđảoLýSơcò bé bé bên cầu cảng Lý Sơn, bốn tàu cao tốc gồm Hoàng Sa 02, 03, An Vĩnh 03 và Biển Đông nằm bờ suốt 5 năm qua. Trong đó, tàu Hoàng Sa 03 chìm một phần dưới nước biển, vỏ sơn trắng bong tróc. Tàu Hoàng Sa 02 bị bỏ hoang do công ty sở hữu tàu đã giải thể. Tàu Biển Đông rao bán nhưng không có người mua. Còn tàu An Vĩnh 03 chờ hoạt động trở lại, song ngành du lịch xuống dốc khiến chủ tàu không biết chờ đến bao giờ.
Các tàu cao tốc được người dân Lý Sơn hoặc các doanh nghiệp địa phương góp tiền mua trong giai đoạn du lịch bùng nổ. Khoảng năm 2014 đến 2017, lượng khách ra đảo Lý Sơn tăng cao. Tàu cao tốc mới chạy từ đất liền ra đảo (khoảng 30 km) mất 60 phút, nhanh hơn nhiều so với 2 giờ đi tàu cá hoặc tàu thường.
Ông Phan Hậu, chủ tàu An Vĩnh 03 (trị giá gần 20 tỷ đồng), cho biết trước năm 2014, ông cùng một số người góp vốn đầu tư hai tàu chở khách từ đất liền ra Lý Sơn. Giá trị của tàu khi đó chỉ khoảng 10 tỷ đồng. Đến năm 2014, đảo Lý Sơn hòa điện lưới quốc gia, các tàu này dần lạc hậu do tốc độ chậm và không thể đáp ứng được lượng du khách quá lớn.
Do đó năm 2016, các cổ đông góp vốn sắm hai tàu cao tốc An Vĩnh 03 và 04. Trong đó tàu 04 được bán sớm do chỉ có 78 ghế, không đủ sức cạnh tranh, còn tàu 03 hoạt động được hơn hai năm. "Trong hai năm này du lịch vẫn phát triển mạnh, nên trung bình mỗi chuyến chúng tôi bán được khoảng 40% trong tổng số 200 ghế của tàu", ông Hậu nói.
Cùng với ông Hậu, nhiều người dân khác cũng góp tiền mua tàu cao tốc. Đội tàu này đã đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và du khách trên tuyến Sa Kỳ (đất liền Quảng Ngãi) ra đảo Lý Sơn, giúp địa phương tăng trưởng du lịch.
Nhưng cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Đến năm 2017, doanh nghiệp lớn trong ngành vận tải ở tỉnh là Chín Nghĩa đã đầu tư tàu siêu tốc đầu tiên trên tuyến này. Tốc độ của tàu nhanh hơn gấp rưỡi, thời gian từ đất liền ra đảo Lý Sơn chỉ còn 40-45 phút thay vì hơn 60 phút như các tàu cao tốc.
Từ đó, tàu An Vĩnh 03 và các tàu cao tốc còn lại phải nằm bờ. "Đây là tàu đầu tiên mà chúng tôi thua lỗ do thời gian chạy quá ngắn", ông Hậu nói và cho biết, chỉ thu hồi được chưa đến một nửa số tiền đã bỏ ra. Song may mắn khoản nợ ngân hàng không quá lớn do được đầu tư từ tiền của những người quen trên đảo Lý Sơn.
Tương tự ông Hậu, ông Đặng Hoài cũng đầu tư 10 tỷ sắm tàu Hoàng Sa 03 từ 2014 nhưng chỉ chạy được 3 năm. Sau thời gian dài nằm bờ, ông Hoài nhiều lần rao bán nhưng không có người mua nên đành để tàu phơi mưa nắng.
Có chủ tàu phải gánh khoản nợ ngân hàng rất lớn. Như ông Trần Đình Xem, chủ tàu Biển Đông trị giá 15 tỷ đồng đóng tàu mới từ 2016 nhưng chỉ được hai năm phải dừng tàu cao tốc, dẫn đến nợ ngân hàng. Thậm chí, công ty chủ tàu Hoàng Sa 02 đã phải giải thể khi làm ăn bết bát.
Ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch huyện Lý Sơn, cho biết một số tàu nằm bờ do có nhiều tàu trên tuyến nên cạnh tranh mạnh. Với số tàu hư hỏng, địa phương đã yêu cầu chủ tàu trục vớt.
Khi tàu cao tốc "hết thời", chủ tàu An Vĩnh 03 và Biển Đông tiếp tục đầu tư tàu siêu tốc An Vĩnh Express và Super Biển Đông để cạnh tranh. Cùng với đó, các doanh nghiệp vận tải lớn tiếp tục xin chạy tuyến này. Mới nhất, hãng tàu Phú Quốc đưa tàu Phú Quốc Express 5 ra khai thác tuyến Lý Sơn - Sa Kỳ, khiến cho cuộc cạnh tranh vận tải rơi vào tình trạng "cá nhiều, mồi ít".
Theo Ban Quản lý cảng và cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ngãi, hiện tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn có 8 tàu chở khách trong đó phần lớn có thời gian di chuyển 40-45 phút từ đất liền ra đảo, sức chở từ 139 đến 286 khách một lượt.
Trong khi đội tàu ngày càng được trang bị hiện đại hóa, du khách ra Lý Sơn giảm dần. Năm 2019, huyện đảo đón 300.000 du khách thì năm 2022 chỉ đạt 130.000 lượt. Các chủ tàu kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu giảm các loại thuế, phí để kéo giá vé, thu hút khách trở lại Lý Sơn, giúp đội tàu siêu tốc chạy nhiều chuyến hơn khi du lịch khởi sắc.
Đảo Lý Sơn diện tích khoảng 10 km2, là huyện đảo tiền tiêu của Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý. Với di sản địa chất núi lửa triệu năm và nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử như núi Thới Lới, cổng Tò Vò, chùa Đục, hang Cau, đảo thu hút nhiều khách du lịch những năm gần đây.
Phạm Linh